Học viện bóng đá Nghệ Tĩnh: Tại sao không?!

|

NDO - NDĐT - Người Nghệ chung một dòng Lam cùng tương đồng văn hóa và đam mê bóng đá đến cuồng nhiệt. Xứ Nghệ lại sản sinh ra nhiều lứa cầu thủ đá máu lửa và thành danh cung cấp cho nhiều câu lạc bộ (CLB) và đội tuyển quốc gia. Để tiếp tục góp phần nâng tầm bóng đá xứ Nghệ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung, rất cần một học viện bóng đá Nghệ Tĩnh như kiểu HAGL - Arsenal JMG; Viettel – Dortmund...

Đam mê

Xứ Nghệ, gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chung một dòng Lam, cùng tương đồng văn hóa và đam mê bóng đá một cách cuồng nhiệt. Thời sân Vinh đang là “chảo lửa”, các nhóm cổ động viên (CĐV) ở vùng núi xa xôi cách cả trăm km như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Tân Kỳ… (Nghệ An) hay Kỳ Anh, Hương Khê, TP Hà Tĩnh… (Hà Tĩnh) đã bao hẳn các chuyến xe khách để đi xem bóng đá. Họ dành cả ngày chủ nhật cho bóng đá. Mọi người “đội” nắng vào sân trước cả tiếng đồng hồ để có chỗ ngồi ưng ý. Khi sân Vinh lắp đèn, đá đêm, dù phải trở về nhà khuya muộn nhưng không vì thế mà họ giảm nhiệt huyết.

Không ít CĐV trung thành đã sát cánh cùng Sông Lam suốt cả mùa giải, lúc vào nam, khi ra bắc. Không ít lần, CĐV người Nghệ tổ chức nhuốm vàng các sân khách Mỹ Đình, Lạch Chay, Thống Nhất, Chi Lăng. Bởi màu vàng là trang phục truyền thống của đội Sông Lam. Mỗi khi đội Sông Lam phải gồng mình chống đỡ trước sự tấn công của đối phương, hay đang bị dẫn bàn thì sự hò reo, khích lệ cùng tiếng kèn Trumpet của Thành kèn: Giận thì giận mà thương lại càng thương… vang lên như trống lệnh thúc giục các cầu thủ đá tập trung hơn, máu lửa hơn. Nạn Hôligan hay bất đồng giữa các nhóm CĐV được Hội CĐV Sông Lam hóa giải. Họ cùng đến sân trật tự và văn hóa hơn.

Sân vận động (SVĐ) Vinh có sức chứa khoảng hai vạn khán giả nhưng nhiều trận, không còn đủ chỗ. CĐV tràn xuống đường pit, trèo lên cây hay các công trình xung quanh sân để xem. Nên mới có sự cố sập nhà thi đấu ở cạnh SVĐ Vinh do khán giả trèo lên nóc nhà để được xem trận thư hùng giữa Sông Lam và Đồng Tháp.

Hà Tĩnh thì sao?. Do địa phương chưa có đội bóng A1 (nay gọi V- LEAGUE) nên chỉ được tổ chức các giải giao hữu, U18, U21, đội hạng B... nhưng SVĐ Hà Tĩnh luôn chật cứng khán giả. Cũng không kém gì sân Vinh, nhiều trận, khán giả tràn xuống đường pit để xem bóng một cách trật tự. Khi có đội nhà thi đấu, không ít đồng chí lãnh đạo tỉnh sắp xếp công việc hợp lý để đến sân cổ vũ.

Thương hiệu Sông Lam

Đội bóng Sông Lam được thành lập cách đây gần 30 năm. Tuy lên hạng A1 chưa lâu nhưng Sông Lam là một trong số ít đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam. Từ Sông Lam Nghệ Tĩnh đến Sông Lam Nghệ An là CLB duy nhất chưa bị xuống hạng. Thành công này phải ghi nhận, lớp anh trước, lớp em sau Sông Lam không bao giờ thiếu những cầu thủ đá hay lại máu lửa. Các lớp cầu thủ Sông Lam thành danh phải kể đến lứa đầu tiên như Hà Thìn, Văn Đài, Vũ Quang Bảo, Cao Phi Đại, Thịnh Quán... Sau đó, Sông Lam có một lớp cầu thủ thế hệ Vàng, làm mưa làm gió trên sân cỏ cả nước và liên tiếp vô địch cúp Quốc gia và các giải chuyên nghiệp. Đó là lớp anh em nhà Văn Sỹ Hùng, Phi Hùng, Quang Trường, Dương Hồng Sơn... Trong số này phải kể đến hậu vệ Hữu Thắng. Không chỉ đội trưởng Sông Lam mà Hữu Thắng còn được tín nhiệm đeo băng đội trưởng tuyển Việt Nam trong khi mà đội tuyển có cả thế hệ Vàng như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sỹ Hùng...

Một người nữa phải nhắc đến là tiền vệ tài hoa Phan Thanh Tuấn. Tuy đã nhiều lần được gọi lên tuyển nhưng vì lý do cá nhân Tuấn chưa khoác áo tuyển lần nào. Anh luôn là linh hồn tuyến giữa của Sông Lam. Hồi đấy, Hồng Sơn được xem là tiền vệ hay nhất Việt Nam nhưng cứ mỗi lần Sông Lam gặp Thể Công, cho dù đá trên sân Hàng Đẫy thì thêu hoa, dệt gấm giữa sân là Tuấn, chứ không phải là Sơn.

Gần đây, các lớp cầu thủ Sông Lam nổi như cồn như Công Vinh, Văn Quyến, Quốc Vượng, Hoàng Thịnh... Tùy vào từng thời suy thịnh khác nhau nhưng lực lượng cầu thủ của Sông Lam đóng góp cho tuyển quốc gia và các CLB khác thì vẫn nhiều như “quân nguyên”. Hiện, ngoài đội Sông Lam, thì quân của Sông Lam thi đấu ở các CLB khác cũng thừa một đội Sông Lam chất lượng nữa. Nếu tuyển toàn bộ quân của Sông Lam thì có thế thi đấu ngang ngửa với phần còn lại của tuyển Việt Nam. Tỉnh Hà Tĩnh tuy không nhiều cầu thủ nổi danh nhưng cũng phải nhắc đến đó Lê Văn Lưu, Phi Hùng, Ánh Cường, Phi Sơn, Đinh Thanh Trung... đã có những đóng góp đáng kể cho đội tuyển quốc gia cùng Sông Lam và các CLB khác .

Một thời, Trung tâm huấn luyện bóng đá CLB Sông Lam nổi như cồn. Các giải trẻ (gọi là U như U15, U17, U19, U21) quốc gia đều bị đám trẻ nhà Sông Lam chinh phục. U19, U21 CLB Sông Lam là một thế lực hùng mạnh nhất khi liên tiếp nhiều năm liền vô địch quốc gia. Có năm tuyển U16 quốc gia nòng cốt là U16 Sông Lam đã thắng cả tuyển U16 Trung Quốc để hiên ngang vào tứ kết U16 châu Á. Đây chính là nguồn cung cấp cầu thủ dồi dào cho đội một Sông Lam cũng như các CLB trong nước khác. Cùng với đó, nơi đây cũng sở hữu các huấn luyện viên người Nghệ vừa giỏi nghề lại vừa mát tay như Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Văn Thịnh, Vũ Quang Bảo, Hữu Thắng.

Sớm có học viện bóng đá Nghệ Tĩnh

Từ thực tiễn trong nước và quốc tế, để nuôi bóng đá thành công cần có ông bầu là những doanh nghiệp lớn, những tỷ phú thực sự. Họ là những mạnh thường quân có tình yêu bóng đá mãnh liệt. Các CLB rất cần “hầu bao” của ông chủ để nuôi, mua cầu thủ giỏi và đào tạo lớp cầu thủ trẻ.

Sông Lam là CLB giàu truyền thống với đậm bản sắc nhất Việt Nam. Đoạt rất nhiều danh hiệu và là một trong những CLB đóng góp cầu thủ cho đội tuyển Việt Nam nhiều nhất. Năm 2000, đội lần đầu tiên đoạt chức vô địch giải vô định quốc gia (A1). Đến năm 2001, giải vô địch quốc gia chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, chính thức mang tên V-League và cho phép các cầu thủ nước ngoài tham gia thi đấu. Năm này, CLB Sông Lam tiếp tục vô địch.

Sau năm 2001, đội bóng xứ Nghệ bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều cầu thủ và cả huấn luyện viên đã từng mang thành công cho đội bóng cứ lần lượt ra đi bởi nguồn tài chính của CLB quá eo hẹp. Hàng loạt ngoại binh có chất lượng không thể giữ chân nổi. Để nuôi đội bóng ngoài khoản ngân sách của tỉnh, từ năm 2004, Sông Lam có các nhà tài trợ giúp giữ cầu thủ, thuê cầu thủ ngoại và đào tạo trẻ. Sông Lam và nhiều CLB khác đều phải dựa vào hầu bao của các doanh nghiệp, như Hoàng Anh Gia lai, Hà Nội T&T...

Không chỉ có tiền rủng rỉnh để “câu” cầu thủ, huấn luyện viên giỏi mà các doanh nghiệp còn có điều kiện tuyển chọn các lớp cầu thủ năng khiếu để đào tạo. Có doanh nghiệp còn đầu tư liên kết thuê chuyên gia để đào tạo trẻ theo mô hình của các CLB có tiếng trên thế giới. Họ đầu tư cả một khu đào tạo trẻ bài bản từ các sân tập, nơi ăn ở, vui chơi, đến các lớp học văn hóa, ngoại ngữ... rộng hàng chục ha. Rồi các tuyển trạch viên có mặt khắp cả nước để tìm kiếm, phát hiện các tài năng. Điển hình như lò đào tạo HAGL - Arsenal JMG; Viettel – Dortmund... Bước đầu các mô hình đào tạo này đã gặt hái được thành công.

Trong lúc đó, do nguồn tài chính hạn hẹp, điều kiện luyện tập chật hẹp, cơ sở vật chất không còn phù hợp nên lò đào tạo trẻ Sông Lam dần dần mất thương hiệu. Thể hiện qua giải trẻ những năm gần đây, Sông Lam không còn là một thế lực đáng sợ như trước đây. Nếu tình trạng này kéo dài, Sông Lam sẽ cạn nguồn cầu thủ tài năng bổ sung cho đội một. Cùng với việc bị các CLB khác “câu’ cầu thủ giỏi, Sông Lam sẽ bết bát thành tích và đối mặt nguy cơ xuống hạng.

Thiết nghĩ, vấn đề thành bại của đội bóng chính là việc công tác đào tạo trẻ phải đổi mới. Tỉnh nhà hãy mời gọi các doanh nghiệp, các doanh nhân người Nghệ có tiềm lực tài chính tiếp tục tài trợ cho đội bóng Sông Lam. Nên sớm thành lập và đầu tư xây dựng Học viện bóng đá Nghệ Tĩnh một cách bài bản như HAGL - Arsenal JMG; Viettel – Dortmund như là một nhu cầu. Và đại bản doanh học viện này đặt tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh) – nơi có khuôn viên rộng rãi để đầu tư bài bản.

Đồng thời, tỉnh nhà cũng cần kêu gọi các cầu thủ, huấn luyện viên, tuyển trạch viên con em quê hương giàu thành tích về làm công tác đào tạo, huấn luyện cùng với việc liên kết với các học viện bóng đá nổi tiếng quốc tế khác. Tổ chức mạng lưới tuyển chọn cầu thủ nhí khắp cả nước. Đặc biệt, mời gọi doanh nhân người Nghệ, chẳng hạn như tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch Học viện bóng đá Nghệ Tĩnh. Có như vậy, Sông Lam mới thực sự là thế lực lớn của bóng đá Việt Nam và khu vực; góp phần sớm đưa bóng đá Việt Nam sớm thoát khỏi vùng “trũng” Đông Nam Á, vươn ra tầm quốc tế.