Niềm hy vọng lớn nhất tại SEA Games lần này là kình ngư Ánh Viên. Người đã có trong “bộ sưu tập” huy chương: Ba HCV SEA Games 2013 ở các cự ly 200m ngửa, 200m và 400m hỗn hợp) và hai HCĐ ASIAD 2014 nội dung 200m ngửa, 400m hỗn hợp. Sau thời gian khá dài tập huấn tại Mỹ, được huấn luyện viên, chuyên gia nước ngoài chỉnh sửa từng động tác kỹ thuật nhỏ nhất trên đường bơi, chỉ số về chuyên môn của VĐV 18 tuổi người Cần Thơ có xu hướng tốt lên. Chị vừa giành HCĐ 400m hỗn hợp tại Giải Arena Pro Swim Series với thời gian 4 phút 42 giây 60, kém thành tích ở ASIAD 2014 (4 phút 39 giây 65) nhưng vượt xa mốc giành HCV tại SEA Games 2013 (4 phút 46 giây 16); đạt thông số 2 phút 12 giây 65 ở cự ly 200m ngửa nữ và 1phút 04 giây 41 tại cự ly 100m bướm nữ.
Theo nhận định của giới chuyên môn khu vực, thật khó để đánh bại Ánh Viên ở hai cự ly bơi sở trường 200m và 400m hỗn hợp. Nữ VĐV Việt Nam tỏ ra quá mạnh, như lời bộc bạch của Meagan Lim (Singapore) cách đây hai năm ở Myanmar. Và tại SEA Games 28, những người yêu thích môn bơi sẽ được thấy màn “vượt vũ môn” của Ánh Viên. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, với phong độ ổn định hiện nay, khả năng Ánh Viên bảo vệ thành công ba HCV ở Singapore là khá cao và có thể giành huy chương ở các nội dung 400m, 800m tự do.
Ngoài Ánh Viên, một gương mặt xuất sắc khác (đang đi “luyện công” ở “xứ sở hoa anh đào”) cũng dành được sự quan tâm của các cổ động viên là nam VĐV Hoàng Quý Phước. Người có thế mạnh ở nội dung bơi 100m, 200m tự do. Tại Giải vô địch bơi lội Nhật Bản vào giữa tháng tư vừa qua, ở nội dung 100 m tự do, Quý Phước bơi hết 50 giây 89; còn 200 m tự do có thành tích là 1 phút 50 giây 94, đạt chuẩn B dự Olympic Brazil 2016. Anh cho biết, các chuyên gia Nhật Bản làm việc rất chuyên nghiệp và nhiệt tình. Về kỹ thuật bơi, họ đang cố gắng cải thiện cách thở và động tác chân cho tôi. Và Phước mong muốn sẽ đạt điểm rơi phong độ đúng vào thời điểm tranh tài, giành chiến thắng ở cự ly 200 m tự do - nội dung mà tại SEA Games 26 và 27 anh đều đoạt HCV.
VĐV Hoàng Quý Phước.
Số VĐV còn lại dự giải đều được tập huấn, cọ xát trước thềm SEA Games, các thông số kỹ thuật ổn định. Và hy vọng có HCV được đặt vào một số gương mặt từng tỏa sáng ở SEA Games 2013 như: Lâm Quang Nhật (HCV 1.500m nam). Riêng “kình ngư” Trần Duy Khôi dù chưa có HCV ở SEA Games 2013 nhưng anh được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại Singapore ở cự ly 200, 400m hỗn hợp, mặc dù cơ hội bước lên bục cao nhất tương đối khó khăn, bởi đối thủ của Khôi là một VĐV nước chủ nhà đẳng cấp hàng đầu khu vực và châu lục. Tuy nhiên, trong thi đấu, nếu các VĐV đạt trạng thái sung sức nhất, phát huy tốt nỗ lực của cá nhân thì những bất ngờ thú vị có thể xảy ra trên đường đua xanh.
Lịch thi đấu của Đội tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games 28
Đội tuyển Bơi Việt Nam gồm 8 VĐV (4 nam, 4 nữ), thi đấu 30/36 nội dung của môn này tại đại hội, từ ngày 6 đến 11- 6. Đội nữ lên đường sang Singapore ngày 2-6 và đội nam ngày 3 - 6.