Những điều kỳ diệu trong năm 2015

|

NDO - NDĐT - Cộng đồng quốc tế lại vừa phải trải qua một năm đầy sóng gió, mà mức độ căng thẳng thậm chí còn cao hơn cả năm 2014. Nhưng cũng chính trong năm hết sức tồi tệ này, không ít thỏa thuận "có tính lịch sử" đã ra đời, và không quá nếu coi đó là những điều kỳ diệu của 2015.

Ngay trong những ngày đầu năm, vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo (ngày 7-1-2015, tại Thủ đô Paris của Pháp) như một điềm báo về một năm bất ổn. Trên thực tế, trong suốt cả năm 2015, đời sống quốc tế luôn bị đặt trong tình trạng báo động bởi đủ mọi nguy cơ từ con người lẫn thiên nhiên.

Kể từ sau vụ 11-9-2001, chưa khi nào người dân trên khắp thế giới lại phải lo sợ vấn nạn khủng bố như trong năm 2015. Không hoảng sợ sao được khi liên tiếp phải chứng kiến hàng loạt các vụ xả súng, bắt cóc con tin, đánh bom đều liên quan tới lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), điển hình như các vụ khủng bố tại Tuynidi (ngày 18-3 tại bảo tàng Bardo và ngày 26-6 tại khách sạn gần TP Sousse), tại Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 10-10 tại Thủ đô Ankara), tại bán đảo Sinai của Ai Cập (ngày 31-10, vụ đánh bom chiếc máy bay A321 của hãng hàng không Nga MetroJet), ở Li-băng (ngày 12-11, hai vụ đánh bom liều chết tại Thủ đô Beirut), tại Pháp (ngày 13-11, tại sáu địa điểm của Thủ đô Paris), tại Mỹ (ngày 13-12, tại San Bernandino)... Điều khiến người ta sợ IS hơn cả Al Qaeda không chỉ bởi mức độ tàn nhẫn (những vụ hành quyết con tin), hay sự lạm sát (nhằm vào mọi đối tượng ở bất cứ nơi nào, không phân biệt tôn giáo hay địa vị sang, hèn), mà còn do sức sống của nó. Kể từ tháng 8-2014 đến nay, các đợt không kích với cường độ khủng khiếp của rất nhiều nước, trước hết là từ các cường quốc như Mỹ, Pháp, Nga, Anh, cùng với những chiến dịch trên bộ của quân đội của Syria, Iraq nhưng vẫn không thể tiêu diệt được IS. Hơn nữa, các vụ khủng bố của IS còn do bất kể đối tượng nào, là người của IS hay công dân của nước sở tại, được huấn luyện hay tự phát.

Tình hình rối loạn tại châu Âu có lẽ là sự phản chiếu rõ nét nhất mức độ căng thẳng của đời sống quốc tế trong năm 2015. Những vụ khủng bố và dòng người di cư ồ ạt tràn vào (theo thông báo của Tổ chức Di trú quốc tế, vào cuối năm 2015, số người tị nạn và di cư vào châu Âu bằng đường biển và đường bộ đã vượt hơn một triệu) cộng hưởng với những vấn đề được thừa hưởng nguyên vẹn của năm 2014, như cuộc xung đột tại Ucraina, vấn đề nợ công của Hy Lạp hay sự đối đầu với Nga, đã khiến EU trở nên lúng túng và chia rẽ sâu sắc. Tình hình của Nga cũng ảm đạm không kém. Trong năm 2015, đồng rúp đã giảm giá 26% so với đồng USD (tại phiên giao dịch ngày 30-12, đồng rúp đã giảm xuống còn 73,1570 rúp/USD – mức thấp nhất trong vòng hơn một năm qua), riêng các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ đã khiến Nga thiệt hại khoảng hơn 9% GDP. Việc tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào IS tại Syria khiến Nga còn phải đối mặt thêm nguy cơ khủng bố trả đũa của IS hay những vụ rắc rối phát sinh như với Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 30-10-2015, chiến đấu cơ SU 24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ).

Các khu vực khác trên thế giới cũng lâm vào cảnh căng thẳng không kém. Tại châu Á – Thái Bình Dương, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông và Biển Đông ngày càng phức tạp, thậm chí đang tiến dần tới khả năng va chạm quân sự hết sức nguy hiểm. Đơn cử như những hoạt động bồi đắp, cải tạo các đảo đá chìm trên Biển Đông của Trung Quốc kéo theo sự xuất hiện tuần dương hạm Lassen của Mỹ cũng như máy bay do thám P-3 Orion của Australia với cùng một lý do là tuần tra định kỳ nhằm bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Giờ đây, chỉ cần có sự hiểu nhầm hay thiếu kiềm chế của một hoặc các bên liên quan rất có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Châu Phi - Trung Đông vẫn chìm trong khói súng bởi những cuộc giao tranh, thậm chí còn đẫm máu hơn, điển hình như tại Syria, Iraq, Yemen, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Các vụ tấn công tự phát của người Palestin (được ví như một phong trào Intifda thứ ba) và hành động trả đũa từ các lực lượng an ninh của Israel đã đẩy quan hệ Israel - Palestin trở lại trạng thái tồi tệ còn hơn cả năm 2014 (năm có cuộc chiến 49 ngày tại Dải Gaza).

Thật trớ trêu, trong năm 2015, hành tinh của chúng ta lại còn phải hứng chịu đợt El Nino với cường độ sánh ngang hồi năm 1997 (năm có cường độ được ghi nhận là cao kỷ lục). Hậu quả là các bang Missouri, Illinois của Mỹ (Bờ Tây Thái Bình Dương) bị những trận lũ khủng khiếp nhấn chìm, ngược lại Indonesia (Bờ Đông Thái Bình Dương) lại phải hứng chịu những đợt cháy rừng do hạn hán kéo dài. Nhưng dấu ấn kinh hoàng nhất từ thảm họa thiên nhiên có lẽ thuộc về vụ động đất tại Nepal (ngày 25-4-2015) khiến khoảng 10 nghìn người thiệt mạng, tám triệu người bị ảnh hưởng.

Số lượng kỷ lục các nhà báo bị sát hại trong năm 2015 - một chỉ số "phụ" nhưng cũng đủ giúp bức tranh u ám của năm thêm rõ ràng hơn. Theo thống kê của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố ngày 29-12-2015, trong năm 2015, trên khắp thế giới có 110 nhà báo đã bị giết hại, đặc biệt có tới 2/3 số vụ xảy ra tại các quốc gia được cho là hòa bình. Riêng trong vụ Charlie Hebdo, tám biên tập viên đã bị sát hại.

Chính vì ra đời trong bối cảnh căng thẳng như trên, hơn nữa hầu hết đều phải trải qua một quá trình đàm phán theo kiểu "Marathon", nên giá trị của những thỏa thuận được nhân lên rất nhiều.

Đó là Nghị quyết 2249 của Hội đồng Bảo an (thông qua ngày 20-11-2015). Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ "tăng cường và phối hợp các nỗ lực với nhau để ngăn ngừa và triệt tiêu tất cả các hành động khủng bố" do IS cũng như các nhóm cực đoan khác có liên quan tới lực lượng khủng bố al-Qaeda tiến hành. Dự thảo nghị quyết do Pháp đề xuất đã mau chóng đạt được đồng thuận của tất cả 15 thành viên mà không cần qua tiến trình thảo luận hay tham vấn. Sự đồng thuận này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cuộc chiến chống khủng bố. Bởi lẽ, những tưởng sau vụ Charlie Hebdo, các nhà lãnh đạo Nga và EU, những người tham gia cuộc tuần hành tại Paris, hôm 11-1-2015, có thể gác lại những bất đồng, mâu thuẫn liên quan tới cuộc khủng hoảng Ucraina, để sát cánh cùng nhau chống IS. Nhưng rồi tình cảnh "mạnh ai nấy làm" vẫn tiếp tục, kể cả sau khi Nga, Pháp và Anh bắt đầu tham gia không kích nhằm vào IS tại Syria. Chính vì thế, ngoài ý nghĩa về sự đồng thuận trong quyết tâm chống khủng bố, Nghị quyết có thể là khởi đầu cho tiến trình hình thành một mặt trận thống nhất chống IS trong năm 2016.

Đó là quyết định mở lại đại sứ quán của Mỹ và Cuba tại La Habana và Washington D.C hôm 20-7-2015. Quyết định này không chỉ có ý nghĩa khép lại quan hệ thù địch giữa Mỹ và Cuba kéo dài suốt 54 năm, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, mà còn giúp giải tỏa một rào cản luôn cản trở quan hệ giữa Mỹ với Mỹ Latinh, và nhiều nước trên thế giới phản đối lệnh cấm vận của Mỹ. Hơn thế, quyết định còn gợi mở cho cộng đồng quốc tế một hướng giải quyết xung đột quốc tế - hãy dùng sự vị tha, tôn trọng lẫn nhau để hóa giải thù hận.

Có một ý nghĩa tương tự đó là thỏa thuận hạt nhân giữa P5+1 và Iran (ký ngày 14-7-2015). Thỏa thuận không chỉ góp phần khép lại mối quan hệ thù địch kéo dài hơn ba thập kỷ giữa Iran và phương Tây, mà còn minh chứng cho sức mạnh của các giải pháp ngoại giao - không phải súng đạn hay các lệnh trừng phạt mà là đối thoại mới có thể giúp giải quyết những vấn đề quốc tế nan giải, ở đây là nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu đạt được tại hội nghị COP21 (Paris, ngày 13-12-2015) có lẽ sẽ là điều kỳ diệu nhất trong năm 2015, bởi chỉ riêng việc đạt được đồng thuận của 195 quốc gia tham dự về nhiều vấn đề gây tranh cãi suốt gần 20 năm qua đã là điều ngoài sức tưởng tượng. Hơn nữa, thỏa thuận còn cho thấy, giờ đây nhận thức của các nước về nhiều vấn đề quốc tế đang ngày càng tiến gần tới chung một điểm. Điều này cũng đã được minh chứng trước đó qua "Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững", được tất cả 193 thành viên LHQ thông qua tại phiên họp của ĐHĐ LHQ ngày 25-9-2015.

Nếu đặt "Bản ghi nhớ về nhận thức chung" giữa Mỹ và Nga (ký ngày 20-10-2015) nhằm tránh va chạm trên không khi tiến hành các chiến dịch không kích tại Syria trong tình trạng hai nước đang đối đầu gay gắt thì ý nghĩa của nó không hề nhỏ. Thỏa thuận này cho thấy hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này có chung một nhận thức là phải cố gắng giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể dẫn đến đổ vỡ quan hệ.

Trong bối cảnh rất nhiều nước phải đón năm mới 2016 trong tình trạng an ninh được thắt chặt tối đa, điển hình là việc Chính phủ Nga phải đóng cửa Quảng trường Đỏ trong đêm giao thừa vì lý do an ninh (điều chưa từng xảy ra trong lịch sử), cộng đồng quốc tế đang rất mong đợi những thỏa thuận này thể hiện được tính chất "kỳ diệu" cả trong quá trình thực hiện.