“Mở khóa” cho chuyển đổi số (Tiếp theo kỳ trước) (*)

|

Khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, cả nước thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, nhiều hoạt động kinh tế rơi vào đình trệ. Trong bối cảnh đó nhờ các hoạt động xã hội được số hóa, người dân dù cách ly nhưng vẫn không bị tách rời hoàn toàn khỏi công việc hay cuộc sống. Trước những thách thức của dịch bệnh, công nghệ số còn biến những áp lực hiện hữu thành động lực, tạo cú huých mạnh mẽ chưa từng có cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Bài 2: Biến áp lực thành động lực

Cuộc “đại diễn tập” về công nghệ

Giữa tháng 4 vừa qua, ứng dụng Bluezone do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) và Bộ Y tế triển khai đã ra đời, với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch, hạn chế các nguy cơ lây lan. Sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp, Bluezone ghi nhận tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động cài đặt ứng dụng; từ đó, cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, nghi nhiễm. Sau khi được triển khai, hiệu quả của Bluezone từng bước được chứng minh. Đơn cử, chỉ riêng ngày 13-8, trên tập 17 ca nhiễm hoặc nghi nhiễm có cài ứng dụng Bluezone ở Đà Nẵng và Hà Nội, đã tiến hành truy vết được 82 trường hợp F1 và F2 nằm ngoài danh sách đã biết theo cách truy vết truyền thống. Nhờ hiệu quả nổi bật mang lại, cả nước hiện có gần 20 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone, tạo thành “tấm khiên số” khổng lồ góp phần bảo vệ người dân trước những nguy hại của dịch Covid-19. 

Diễn biến phức tạp và dai dẳng của dịch Covid-19 khiến con người trên toàn thế giới và Việt Nam phải thay đổi nhiều thói quen, nếp sống vốn có. Những biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng dù hữu hiệu, nhưng ngược lại cũng gây cản trở nhiều hoạt động của doanh nghiệp (DN) và người dân, khiến học sinh không thể đến trường, người lớn phải nghỉ làm và nhiều cơ quan, DN bị gián đoạn hoạt động,… Lúc này, những nền tảng công nghệ số trở thành giải pháp giúp tháo gỡ hiệu quả các khó khăn đó. 

Cục trưởng Tin học hóa (Bộ TT và TT) Nguyễn Huy Dũng nhận định: Dịch Covid-19 được xem là đợt “đại thao diễn” cho lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngành TT và TT đã huy động hàng chục DN về CNTT, hàng nghìn kỹ sư chuyên môn tạo ra một loạt sản phẩm phần mềm bảo vệ người dân phòng, chống dịch hoặc hỗ trợ họ trong các sinh hoạt hằng ngày. Cụ thể, trong việc truy vết, giám sát cách ly, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có đủ bộ giải pháp từ mức nhà mạng, mức trạm thu phát sóng BTS, mức sử dụng vệ tinh GPS đến mức theo dõi tiếp xúc gần dưới 2m dùng Bluetooth. Ngoài ra, hàng loạt ứng dụng phục vụ cuộc sống, làm việc không tiếp xúc cũng ra đời nhằm bảo đảm đời sống người dân diễn ra như bình thường. Hai nền tảng phục vụ nhu cầu học tập, đào tạo trực tuyến của Viettel, VNPT cung cấp cho hơn 30 nghìn trường trên phạm vi toàn quốc; nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến VOV-Bacsi24 kết nối trực tuyến bệnh nhân với các bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ mọi nơi, mọi lúc; nền tảng hội nghị truyền hình trực tuyến Comeet hay Stringee là một giải pháp toàn diện về nền tảng giao tiếp, cho phép các DN giao tiếp với khách hàng trên chính các ứng dụng di động;…

Qua thực tế này, rõ ràng năng lực của DN công nghệ số Việt Nam vượt xa những gì chúng ta suy nghĩ trước đó. Có những phần mềm phục vụ phòng, chống dịch được hoàn thành chỉ trong vòng 48 giờ; nhiều DN xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả đi trước so thế giới. Đại dịch Covid-19 không chỉ là thách thức cho mỗi cá nhân, mà còn là bài kiểm tra khắt khe về “sức khỏe” DN, khả năng thích ứng và phản ứng của mỗi quốc gia. Đồng thời nó cũng tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển biến tích cực trong xã hội. Cụ thể, việc phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành thậm chí có xu hướng được đẩy nhanh hơn do phát sinh mạnh nhu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trực tuyến, họp trực tuyến giữa các cấp để ứng phó dịch bệnh,... Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của DN thương mại điện tử trong giai đoạn cao điểm của dịch (từ tháng 2 đến tháng 4) đạt 14% so cùng kỳ năm 2019. Áp lực từ dịch bệnh tạo ra “thói quen số” cho ngày càng nhiều cán bộ, người dân và cũng là dịp để các DN công nghệ thử sức, gia tăng trình độ và sức ảnh hưởng. Với những đường lối chỉ đạo xuyên suốt từ Nghị quyết 52/NQ-TW (Nghị quyết 52) của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia  cách mạng công nghiệp 4.0, đây rõ ràng là thời điểm Việt Nam thật sự đứng trước cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số. 

Xây dựng ý thức về an toàn mạng

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là vấn đề an toàn trên không gian mạng. Song song với quá trình đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, nguy cơ về mất an toàn, an ninh mạng (ANM) cũng gia tăng. Chính phủ điện tử cung cấp khả năng truy cập vào các dịch vụ công tại bất cứ nơi nào, bất kỳ lúc nào, do đó càng tiềm ẩn nguy cơ bị tiến công vào hệ thống hạ tầng và các ứng dụng. Trong năm 2019, Cục An toàn thông tin (Bộ TT và TT) ghi nhận hơn 5.200 cuộc tiến công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Những cuộc tiến công này không chỉ nhằm đánh cắp thông tin mà còn có thể chiếm quyền điều hành, làm tê liệt hệ thống. Nhìn nhận rõ thực trạng này, Nghị quyết 52 đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm phải đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, ANM; xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược ANM quốc gia. 

Phó Cục trưởng An toàn thông tin Hoàng Minh Tiến cho biết: Gần một năm qua, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, ANM đã được nhiều bộ, ngành, địa phương, DN quan tâm đầu tư, xây dựng khá bài bản. Riêng Bộ TT và TT đã xây dựng sáu hệ thống hạ tầng kỹ thuật chuyên dụng về an toàn, ANM như hệ thống xử lý tiến công mạng in-tơ-nét Việt Nam; hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn, ANM; hệ thống xác thực điện tử quốc gia,… Các hệ thống đã bước đầu phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn, ANM quốc gia. Cùng với đó, hệ thống mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn, ANM quốc gia hiện nay có hơn 170 đơn vị tham gia hoạt động, gồm toàn bộ 63 sở TT và TT các địa phương; 22 đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 27 DN cung cấp dịch vụ in-tơ-nét và một số tổ chức, DN nắm giữ hạ tầng trọng yếu;… Tại các địa phương, nhằm bảo đảm an toàn, ANM thống nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bảo vệ theo mô hình chuyên nghiệp bốn lớp gồm: Lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc DN giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc DN độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia. Tính đến hết tháng 7, đã có 43% số địa phương trên cả nước triển khai theo mô hình bốn lớp, dự kiến tất cả các địa phương sẽ hoàn thành trước ngày 30-9. Những nỗ lực nêu trên đã giúp công tác bảo đảm an toàn, ANM đạt nhiều kết quả. Trong sáu tháng vừa qua, Cục An toàn thông tin chỉ ghi nhận hơn 2.000 cuộc tiến công mạng vào các hệ thống thông tin, giảm 26% so sáu tháng cuối năm 2019 và giảm 27,1% so cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo của Gartner (Công ty Tư vấn và nghiên cứu toàn cầu về công nghệ của Hoa Kỳ), mức chi tiêu cho bảo đảm an toàn thông tin của thế giới năm 2019 đạt khoảng 137 tỷ USD, dự báo năm 2020 ước đạt 150 tỷ USD. Trong khi đó, tổng doanh thu thị trường này tại Việt Nam chỉ vào khoảng 65 triệu USD, tương đương 0,04%. Rõ ràng, các DN viễn thông, công nghệ thông tin lớn chưa dành sự quan tâm đúng mức tới thị trường này. Đáng chú ý, nguyên nhân chủ yếu gây nguy cơ mất an toàn thông tin ở Việt Nam lại do nhận thức chưa đầy đủ, đúng mức về vị trí và tầm quan trọng của công tác này. Ngay trong khối cơ quan nhà nước, nhận thức của  phần lớn cán bộ, công chức còn thấp, dẫn đến tình trạng mắc lỗi về an toàn trong sử dụng máy vi tính, để lây nhiễm mã độc, sử dụng các phần mềm không có bản quyền có lỗ hổng bảo mật,… Đối với nhiều dự án ứng dụng CNTT, phần kinh phí dành cho bảo đảm an toàn chưa tương xứng, dẫn đến trang thiết bị, phần mềm bảo vệ không được đầu tư bài bản, một số trang thiết bị mới đầu tư đã lỗi thời hoặc chưa được vận hành, sử dụng hiệu quả.

Chuyển đổi số là xu hướng quan trọng mang tính tất yếu đối với mỗi quốc gia để hình thành và thúc đẩy nền kinh tế số - xã hội số. Trong đó, đầu tư cho an toàn, ANM là điều kiện cần thiết để chuyển đổi số nhanh, bền vững. Thậm chí, trong nhiều tình huống, vấn đề này phải đi trước một bước. Vì thế, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người sử dụng máy tính, in-tơ-nét, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn thông tin, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và hệ thống kỹ thuật. Các dự án ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách phải lập luận chứng về an toàn và bảo mật thông tin ngay từ khi lập kế hoạch, thiết kế hệ thống; tỷ lệ mức đầu tư cho an toàn đối với dự án CNTT ít nhất phải đạt 10%. Đồng thời, đẩy nhanh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về an toàn thông tin; tăng cường hợp tác, trao đổi công nghệ, giải pháp mới. Qua đó, có cơ hội chia sẻ giữa các quốc gia về kinh nghiệm phòng, chống nguy cơ gây mất an toàn thông tin, hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật trong ứng cứu khẩn cấp, chống tiến công mạng xuyên biên giới bởi không gian mạng in-tơ-nét đã xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia.

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25-8-2020.

Tuy đạt được một số kết quả khả quan, song cũng phải thẳng thắn thừa nhận, thực tế năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn, ANM vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện cả nước mới có 84 DN được cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin, nhưng  phần lớn là các DN hoạt động chính trong lĩnh vực viễn thông; số lượng DN “thuần” an toàn thông tin chỉ chiếm khoảng 20%. Mặt khác, thị trường  an toàn thông tin nước ta vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, chưa định hình rõ nét nên chưa thể phát triển bứt phá. 

HOÀNG MINH TIẾN

Phó Cục trưởng An toàn thông tin, Bộ TT và TT

“Mở khóa” cho chuyển đổi số (Bài 1)