Khi VCCorp ước tính được chi phí cho một cuộc tấn công mạng

|

NDO - NDĐT - Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống VCCorp là một cảnh báo thì VCCorp vẫn loay hoay dự đoán nhóm tội phạm tấn công hệ thống của mình vào tháng trước và ước tính số tiền mà nhóm tội phạm phải bỏ ra để thực hiện vụ tấn công.

Theo Vietnamnet, phát biểu tại Hội nghị Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 10/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng với 50 trang báo và trang thông tin điện tử sử dụng nền tảng của VC Corp đã bị ảnh hưởng nặng nề, quy mô tấn công ngày càng lớn hơn, thủ đoạn tinh vi hơn và thực sự là một cảnh báo.

Bộ trưởng đang rất lo lắng cho vấn đề an toàn an ninh thông tin của nước nhà trước quy mô ảnh hưởng của tấn công mạng ngày càng lớn và chuẩn bị của Việt Nam để phòng chống các cuộc tấn công mạng nếu có xẩy ra sắp tới. Nếu chuẩn bị này không tốt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các ngành kinh tế, thương mại, dịch vụ, giải trí dựa trên Internet của Việt Nam.

Vậy thông tin mà VCCorp đưa ra cách đây vài hôm về khả năng đợt tấn công vừa qua là có tổ chức với chi phí lớn đến 500.000 USD có giúp Bộ trưởng bớt lo hơn không hay doanh nghiệp đang thông tin về quá trình từng bước khắc phục sự cố?

Trong thực tế, VCCorp cũng là doanh nghiệp có nhiều trang web thương mại điện tử và cũng là nạn nhân của tấn công mạng, bị mất tên miền và gián đoạn các hoạt động thanh toán trực tuyến. Với tư cách là chủ sở hữu nhiều trang web thương mại điện tử lớn thì sự việc này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến uy tín của ngành thương mại điện tử còn rất non trẻ của Việt Nam.

Vấn đề thứ hai là VCCorp khi cung cấp dịch vụ vận hành, khai thác và nền tảng công nghệ cho 50 trang web (cả báo và trang thông tin) nhưng khi bị tấn công thì tất cả đều cùng bị tê liệt.

Vấn đề thứ ba là Công ty VCCorp dự báo có khả năng cao là nhóm Sinh Tử Lệnh đã thực hiện vụ tấn công mạng, và dự tính thêm để tổ chức tấn công mạng với quy mô này sẽ tiêu tốn khoảng 500.000 USD. Với quy mô lớn như vậy, thì có thể VCCorp đang hướng dư luận vào khả năng mình là nạn nhân của một vụ tấn công có tổ chức và chỉ bị tấn công mạng với quy mô tương đương hoặc cao hơn. Tuy vậy, khi tên miền bị mất thì công ty này chỉ đưa ra lý do là bị tin tặc chiếm quyền điều khiển và cũng không hiểu vì sao khi cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử cho người sử dụng ở Việt Nam, công ty này đã không sử dụng tên miền của Việt Nam hoặc tên miền từ các tổ chức cung cấp tên miền có uy tín hơn để tránh sự việc này.

Trong những lần trả lời trên VTV1, đại diện C50 (Bộ Công an) cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, thương mại điện tử nên áp dụng các bộ tiêu chuẩn về an toàn thông tin như tiêu chuẩn ISO 27001 để chuẩn hóa công tác này. Vậy VCCorp có nằm trong số các doanh nghiệp mà C50 khuyến cáo không thì công ty này không nói, và nếu đúng thì bao giờ VCCorp thực hiện theo khuyến cáo này.

Sự cố của VCCorp đã đi qua gần một tháng, nhưng sau những thông tin của công ty này cung cấp cho bạn đọc Internet thì những phân vân, lo lắng cho an toàn mạng tự nhiên xuất hiện trở lại. Cho dù VCCorp đang nỗ lực rất lớn để sớm trở lại như trước lúc bị tấn công thì công ty này vẫn có thể giúp cho sự phát triển của Internet nước nhà bằng những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực như thông báo sớm về trường hợp bị tấn công mạng quy mô lớn, sử dụng tên miền Việt Nam trong cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hay tăng lòng tin của người dùng vào dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam hơn bằng cung cấp các thông tin mà người dùng cần.