Ngày 27-7, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo - Triển lãm quốc tế 4G LTE với chủ đề "Phát triển đa dạng hóa dịch vụ 4G LTE nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của tổ chức và người tiêu dùng" do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Internet Việt Nam và Công ty IDG đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, xác định sự phát triển của 4G LTE đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số, nên ngay từ năm 2010 Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy hoạch cho phép các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam thử nghiệm công nghệ di động thế hệ 4G.
Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện liên quan, cuối năm 2016, Bộ đã cấp phép chính thức cho bốn doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam triển khai hệ thống thông tin di động thế hệ tiếp theo 4G dựa trên công nghệ LTE/LTE-Adv trên băng tần 1800 MHz.
Thứ trưởng nhấn mạnh: "Việc triển khai 4G là bước ngoặt quan trọng đối với thị trường viễn thông Việt Nam". Đồng thời, ông Phạm Hồng Hải đánh giá, năm 2017 là thời điểm triển khai mạnh mẽ mạng 4G tại Việt Nam. Chính điều này sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển bùng nổ các loại hình dịch vụ trên nền tảng 4G. Với việc tốc độ kết nối, truy cập dữ liệu tăng, các dịch vụ internet truyền thống sẽ nhanh chóng dịch chuyển, đáp ứng nhu cầu người sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Hàng loạt các dịch vụ/ứng dụng khác sẽ phát triển như dịch vụ trên nền tảng IoT, các ứng dụng cho SmartCity…
Việc đa dạng hóa các dịch vụ trên nền tảng 4G LTE không chỉ đem lại doanh thu, lợi nhuận cho các doanh nghiệp viễn thông mà sẽ kéo theo cả hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng phát triển trên đó.
Số liệu từ Cục Viễn thông cho thấy, sau sáu tháng triển khai 4G, số lượng người sử dụng băng rộng hiện nay đạt 60 triệu người. Các doanh nghiệp đã triển khai 43.000 trạm phủ sóng băng rộng đến 95% dân số. Hiện đã có 6,3 triệu thuê bao đổi sang SIM 4G, tuy nhiên mới chỉ có 3,5 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ 4G. Như vậy, tốc độ phát triển 4G tại Việt Nam chưa cao, đại diện Cục Viễn thông đánh giá.
17% người dùng không hài lòng với chi phí dịch vụ 4G
Báo cáo khảo sát về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ 4G LTE tại Việt Nam do IDG công bố tại Hội thảo cho thấy, 88% người sử dụng 4G sống tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 74% người sử dụng là sinh viên, người làm nghề tự do, kinh doanh cá thể, lái xe taxi và người giao hàng. 51% người sử dụng có mức thu nhập 5 -10 triệu đồng/tháng, 38% người sử dụng nằm trong độ tuổi từ 21–30 tuổi. Người sử dụng 4G Viettel chiếm 52%, tiếp theo Mobifone và Vinaphone. .
Về mức độ hài lòng của người sử dụng đối với 4G, 56% người sử dụng là những người kinh doanh tự do, lái xe Uber, Grab hài lòng với sự ổn định của 4G. 7% cho biết họ không hài lòng với dịch vụ 4G.
Về chi phí 4G, 79% người sử dụng cho rằng cần có nhiều chương trình khuyến mại và tiếp thị dịch vụ 4G hơn nữa. 17% người dùng tỏ ra không hài lòng với các gói cước và chi phí dịch vụ 4G.
Về mục đích sử dụng dịch vụ 4G, 29% người sử dụng 4G phục vụ cho công việc như: thanh toán, thương mại, quảng cáo, hội nghị… Trong khi có tới 56% người dùng 4G phục vụ mục đích giải trí như: vào mạng xã hội, xem phim, xem TV, nghe nhạc, chơi game…
Khảo sát này được thực hiện trong ba tháng, từ ngày 1-4 đến 1-7 vừa qua đối với người sử dụng 4G tại tám thành phố lớn và đã thu về 13.828 phiếu khảo sát hợp lệ trên tổng số 40.000 phiếu phát ra.