Phù Cừ tạo đồng thuận để bứt phá

|

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tạo nhiều bứt phá. Từ vùng quê thuần nông còn khó khăn, Phù Cừ vươn lên trở thành một trong sáu huyện phát triển mạnh của  tỉnh Hưng Yên, đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Đột phá hướng đi mới

Năm nay, vùng vải lai chín sớm của huyện Phù Cừ, bội thu và được giá. Sau nhiều năm chiếm lĩnh thị trường nội địa, lần đầu, vải Phù Cừ được xuất khẩu ra nước ngoài. Có được thành công này chính là nhờ kết quả việc triển khai Nghị quyết 32-NQ/HU của Huyện ủy Phù Cừ về việc mở rộng diện tích cây vải. Là huyện thuần nông, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy huyện Phù Cừ xác định muốn phát triển kinh tế nông nghiệp phải mạnh dạn phá bỏ tư duy sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Sau khi khảo sát kỹ thực tế, Huyện ủy thống nhất chọn và quyết tâm đưa cây vải lai chín sớm và vải lai trứng (một thế mạnh nông nghiệp của huyện) trở thành loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Để triển khai, cùng với việc lãnh đạo mở rộng diện tích thêm 750 ha, Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; xúc tiến đăng ký nhãn hiệu, bản quyền; tìm kiếm đối tác để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Tại Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) Thắng Lợi thuộc xã Tam Đa, bác Nguyễn Văn Lãm, thành viên HTX Thắng Lợi chia sẻ, trước đây, vườn vải gia đình năm được, năm mất vì phó mặc cho trời. Nhưng từ năm 2017, khi tham gia HTX, gia đình được tập huấn kỹ thuật chăm sóc vải sạch theo quy trình VietGAP. Nhà bác có một héc-ta vải trồng theo quy trình VietGAP, vụ vừa qua thu hơn sáu tấn quả, bán được gần một trăm triệu đồng. 

Giám đốc HTX Thắng Lợi Nguyễn Tiến Thiều cho biết: Việc sản xuất theo quy trình VietGAP tạo cho cây vải có sức đề kháng tốt, quả to, mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon hơn. Toàn huyện Phù Cừ có gần một nghìn héc-ta trồng vải lai chín sớm, được sản xuất theo quy trình VietGAP, áp dụng phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc. Các HTX trồng vải thực hiện quy trình thâm canh VietGAP được cấp mã OTAS xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường châu Âu. Từ cây trồng phụ, giờ đây vải trở thành sản phẩm kinh tế chủ lực. Những vườn vải xanh mát của nhân dân Phù Cừ được nhiều du khách tìm đến tham quan. Đây là nền tảng để Phù Cừ mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch kết hợp sinh thái miệt vườn. 

Cùng với phát huy thế mạnh cây vải, Huyện ủy Phù Cừ tập trung chỉ đạo tạo vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, áp dụng công nghệ cao. Huyện chủ động mời chuyên gia nghiên cứu lập quy hoạch vùng sản xuất; đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất; khuyến khích mô hình sản xuất tiên tiến. Đến nay, toàn huyện có 11 HTX và tổ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được chứng nhận ViệtGAP (vải lai chín sớm, vải trứng, cam Vinh, cam đường Canh, cam Bố Hạ, bưởi Diễn), một HTX chăn nuôi và một HTX thủy sản được chứng nhận VietGAP. Nông nghiệp phát triển đúng hướng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong huyện ước đạt 56 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,48%/năm.

Cấp ủy, chính quyền đồng hành cùng nhân dân

Thực tế cho thấy, quá trình đổi mới tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa của Huyện ủy và nhân dân huyện Phù Cừ gặp không ít thách thức. Đó là tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của một bộ phận người dân, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế… Để vượt qua khó khăn, Huyện ủy xác định phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất của cấp ủy; tính nêu gương, đi đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong bám sát cơ sở, đồng hành, giúp đỡ nhân dân, trở thành điểm tựa của nhân dân.

Bước khó đầu tiên trong quá trình đổi mới là công tác dồn điền đổi thửa. Nguyên nhân do đất canh tác của nhân dân trong huyện phân tán, trung bình một gia đình từ 10 đến 12 mảnh, ở nhiều vị trí khác nhau. Khi tiến hành dồn đổi, nhiều cán bộ chủ chốt thôn, xã không nắm chắc thực tế, đưa các phương án chưa được nhân dân đồng thuận. Để khắc phục, Huyện ủy huy động các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác vận động nhân dân. Đối với địa bàn phức tạp, Huyện ủy luân chuyển cán bộ huyện về bố trí giữ vị trí chủ chốt xã để tập trung chỉ đạo. Huyện ủy thành lập các đoàn công tác xuống trực tiếp đối thoại, trao đổi với nhân dân. Với những giải pháp đó, cuối năm 2015, huyện Phù Cừ hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (sớm nhất toàn tỉnh). Ngay sau đó, huyện khẩn trương triển khai quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi tập trung, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Hướng về cơ sở, tập thể cấp ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Cừ xây dựng quy chế làm việc chặt chẽ; phân công từng đồng chí phụ trách địa bàn, lĩnh vực cụ thể; luôn bàn bạc, thống nhất ý kiến khi triển khai công tác. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên xuống dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư, lắng nghe ý kiến cán bộ, nhân dân. Qua đó, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp. Nổi bật là việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sau nhiều năm tồn tại, đến nay đã có hơn 800 trong số 920 hộ tự tháo gỡ công trình vi phạm. Qua công tác kiểm tra, giám sát và góp ý của nhân dân, Huyện ủy chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ vi phạm khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm kỳ qua, Huyện ủy thi hành kỷ luật nhiều lãnh đạo chủ chốt xã, thôn. Tại xã Quang Hưng, Huyện ủy kỷ luật các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, đưa xuống làm cán bộ công chức do để xảy ra sai phạm trong việc mua, bán đất trái thẩm quyền. Huyện ủy kỷ luật ba lãnh đạo chủ chốt xã Đoàn Đào do không hoàn thành nhiệm vụ, gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân. Những giải pháp quyết liệt của tập thể lãnh đạo Huyện ủy đã củng cố niềm tin trong nhân dân với Đảng. Trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân các xã đã hiến gần 60 nghìn mét vuông đất ở, hơn 180 ha đất ruộng, phá dỡ 2.000 m tường bao, công trình phụ và ủng hộ 3.400 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng. Huyện có gần 60% hộ gia đình thực hiện xử lý rác thải hữu cơ tại nhà và hình thành bốn HTX dịch vụ môi trường xử lý rác thải. Nhờ đó, đến nay toàn bộ 13 xã trong huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. 

Không chỉ thống nhất trong cấp ủy, các đồng chí chủ chốt xã còn luôn đồng hành với nhân dân trong tìm kiếm, phát triển mô hình kinh tế mới. Anh Bùi Văn Phương, chủ trang trại rau quả theo phương pháp hữu cơ tại xã Tống Chân tâm sự, vốn đam mê nông nghiệp, anh ấp ủ mở trang trại rau sạch nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Năm 2015, được sự động viên của chính quyền xã, anh thuê hơn 5 ha đất vùng trũng cải tạo làm trang trại. Những ngày đầu khó khăn do thiếu vốn, kỹ thuật chăm sóc; các đồng chí Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên về gặp gỡ, động viên, hỗ trợ tạo cho anh động lực phấn đấu. Nhờ vậy, từ việc trồng rau, quả theo phương pháp hữu cơ, anh chuyển sang trồng dưa trong nhà lưới. Với diện tích gần 5 ha và sáu nhà lưới (5 nghìn mét vuông), sản phẩm dưa sạch của anh bán được hơn 300 triệu đồng/vụ. 

Bằng sự quan tâm, đồng hành với nhân dân, huyện Phù Cừ dồn lực, tạo mọi điều kiện hỗ trợ nhân dân trong hướng đi sản xuất mới. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thành công, trở thành mô hình điểm của tỉnh. Nổi bật như mô hình trồng dưa trong nhà lưới của anh Bùi Văn Phương hay mô hình nuôi cá “sông trong ao” của anh Lưu Văn Dũng, thôn Quang Xá, xã Quang Hưng cho doanh thu gần 10 tỷ đồng mỗi năm…

Phát huy kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Phù Cừ đặt mục tiêu xây dựng huyện phát triển toàn diện. Bài học kinh nghiệm rút ra và tiếp tục được phát huy, đó là nâng cao tinh thần đoàn kết thống nhất cấp ủy, hướng về cơ sở, đồng hành cùng nhân dân trong đổi mới tư duy phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.